Thời đi học, thầy Thích Giác Thiện vốn có hoa tay, viết chữ đẹp, thầy đã rèn luyện nâng cao bằng viết chữ thư pháp. Nhân lần sang Ấn Độ để thọ giới chính thức, thầy nhìn thấy kinh Phật khắc lên đá tại đây. Từ đó, thầy nung nấu ý định viết kinh Phật bằng thư pháp tiếng Việt lên đá.
Nghĩ là làm, thầy Thích Giác Thiện đã chọn đá cuội (có nhiều ở sông, suối hay các vùng núi miền Trung Trung bộ) để làm nền khắc chữ. Đặc điểm của đá cuội là có nhiều màu sắc tự nhiên, hình dáng đã được định sẵn. Chọn viên đá phù hợp với chữ sẽ làm nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Tuy nhiên, viết chữ thư pháp đẹp đã là một kỳ công, viết lên đá cuội càng khó, vì đá cuội cứng hơn đá thường và dễ vỡ, mất hình dạng ban đầu.
Nhưng vốn là một nhà sư, cuộc sống trầm và tĩnh, thầy Thích Giác Thiện có đủ công phu và kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo đã tạo ra hàng nghìn viên đá cuội thư pháp. Công việc bắt đầu từ chọn viên đá có kích cỡ, màu sắc phù hợp số chữ và nội dung chữ, rồi dùng máy khoan khắc chữ lên thân đá, sau đó, tô mực lên con chữ.
Tất cả là một quá trình tỉ mỉ, khéo léo đến khi hoàn tất, viên đá cuội tầm thường trở nên có thần thái, đẹp và tôn nghiêm. Bản thân viên đá có thể làm thay đổi hẳn không gian xung quanh nó. Nội dung thư pháp trên đá của thầy Thích Giác Thiện là lời kinh, lời răn dạy của Đức Phật hay lời hay ý đẹp của bậc danh nhân, học giả... nội dung tốt đẹp, giáo dục, nhắc nhở con người sống tốt hơn.
Không ngừng sáng tạo, thầy Thích Giác Thiện còn nghiên cứu, tạo thêm dòng sản phẩm độc đáo hơn là tác phẩm nghệ thuật kết hợp từ đá cuội và bonsai. Cây cảnh bonsai tự thân đã là một tác phẩm nghệ thuật, khi đặt thêm bên cạnh những viên đá cuội khắc chữ thư pháp thì đó không còn là sản phẩm nghệ thuật đơn thuần mà có linh hồn, tiếng nói riêng, mang nhiều ý nghĩa của triết học Phật giáo, văn hóa dân gian thuần Việt. Đứng trước tác phẩm bonsai đá cuội, người ta có cảm giác chan hòa gần gũi với thiên nhiên, để dễ dàng quên đi cuộc sống hối hả tất bật xung quanh
Theo : Thời báo ngân hàng http://thoibaonganhang.vn/nhung-nghe-nhan-lam-dep-cuoc-song-45011.htm