Chất liệu sáng tạoNhắc đến thư pháp trên đá, người yêu nghệ thuật sẽ nghĩ ngay đến một người nghệ sĩ đặc biệt. Đại đức Thích Giác Thiện có duyên với Phật pháp từ nhỏ khi lần lượt tu tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định, sau đó theo học tại Đại học Phật giáo Vạn Hạnh (TP. Hồ Chí Minh). Thấy mình có năng khiếu viết thư pháp, thầy đã cố gắng rèn luyện, đồng thời tự mày mò sáng tạo thêm. Năm 2002, trong một lần sang Ấn Độ để thọ giới chính thức tại Bồ Đề Đạo Tràng, thấy nơi đây có những dòng kinh Phật được khắc lên đá rất lạ, thầy Giác Thiện đã nảy ra ý nghĩ sẽ viết kinh Phật bằng thư pháp tiếng Việt lên đá để truyền tải lời Phật răn dạy. Năm 2005, Đại đức Thích Giác Thiện thực hiện những tác phẩm thư pháp Việt trên đá đầu tiên trên những cột đá trong chùa Diêu Phong (Tuy Phước) khi trở về quê nhà làm trụ trì tại ngôi chùa này. Nội dung các bức thư pháp trên đá của thầy Thích Giác Thiện thường là những lời giáo huấn của Đức Phật, hoặc những lời hay ý đẹp của các bậc danh nhân, học giả... Qua bàn tay sáng tạo của thầy Giác Thiện, những viên đá thô cứng trở nên có thần, chúng không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn hàm chứa những nội dung tốt đẹp có tác dụng răn dạy, giáo dục con người. Đại đức Thích Giác Thiện chia sẻ, thể hiện thư pháp trên đá đòi hỏi người làm phải có một quá trình rèn luyện công phu, kiên nhẫn. Từ công đoạn chọn viên đá phù hợp với từng nội dung muốn viết, dùng máy khoan khắc chữ thư pháp lên thân đá rồi tô mực làm nổi bật con chữ là cả một quá trình rất tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo. Tùy số lượng chữ, nội dung chữ mà người làm có cách chọn viên đá sao cho phù hợp và mang tính mỹ thuật cao.Có thể nói, thư pháp không đơn thuần thể hiện trên giấy dó, mà còn được thể hiện trên gỗ, trên đá, trên lá, trên vải vóc, trên nong, nia, giần sàng... Nhà thư pháp Hồ Công Khanh cũng khá nổi tiếng trong những năm qua với hình thức thư pháp viết trên đá. Kể từ đó, thư pháp có thêm chất liệu mới, được giới chuyên môn đánh giá là hết sức "vi diệu".Chưa dừng lại ở chất liệu đá, nhà thư pháp Nguyễn Khánh Quý còn ghi dấu ấn trong làng thư pháp Việt bằng sự sáng tạo trên chất liệu gỗ và giấy cách điệu. Chữ “Mẹ” viết trên gỗ của Quý đã thuyết phục người xem khi được thể hiện một cách hình tượng thành hình ảnh người mẹ ôm đứa con, dấu nặng là giọt sữa. Hay chữ “Gia đình” được Quý viết trên giấy điệp với nét bút sắc sảo, điêu luyện kèm câu thơ: “Người ta có nhiều nơi để đến/ Nhưng chỉ có một chốn để quay về”. Họa tiết trang trí là khung cảnh một góc xóm ven sông được phối bằng gam màu nâu tạo nên sự ấm cúng, gợi xúc cảm cho người thưởng thức